Năm học 2015-2016 chính thức bắt đầu với không ít thay đổi ở tất cả các cấp học. Nhân ngày khai giảng, nhiều ý kiến mong muốn giảm tải chương trình, giáo viên (GV) được “cởi trói” khỏi những bài giảng khuôn mẫu, khô cứng, bớt kiến thức hàn lâm.
Học nhẹ nhàng hơn
Thầy Đỗ Đức Anh, GV Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM), cho rằng: “Nhìn tổng thể thì chương trình học các môn ở bậc phổ thông vẫn còn nặng, trong khi số tiết phân bổ lại ít. Chính điều này khiến GV không thể dạy sâu, khó tránh khỏi tình trạng dạy cho xong, hời hợt, qua loa. Vì thế, nhất thiết phải giảm tải để khắc phục tồn tại này. Chúng tôi mong muốn được lựa chọn những kiến thức thiết thực, gắn bó với cuộc sống học sinh (HS) để đưa vào bài giảng”.
Cùng quan điểm, ThS Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (TP HCM), nhìn nhận dự thảo giáo dục phổ thông mà bộ vừa đưa ra được GV và HS rất hoan nghênh vì HS sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn môn học theo năng khiếu của mình. “Hiện chương trình giáo dục phổ thông còn nặng nề, ôm đồm quá. HS học trên lớp chưa đủ, chưa an tâm nên phải học thêm ở ngoài. Trong khi đó, mảng kỹ năng sống lại chưa được chú trọng. Chừng nào HS không phải quay cuồng vì học, được giảng dạy theo hướng phát triển toàn diện kỹ năng thì chừng đó giáo dục mới đi vào thực chất hơn” - ThS Thạch nói.
ThS Hồ Sỹ Anh - Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP HCM - nêu thực trạng hiện nay, các chủ trương về phương pháp kiểm tra, đánh giá HS là tốt, ngành giáo dục luôn yêu cầu giảm tải, giảm ra bài tập nhưng tại sao vẫn có nhiều GV cứ ra bài tập về nhà cho HS. Có những HS mới lớp 3, 4 mà không còn thời gian vui chơi vì phải làm bài tập về nhà. Vậy là bất cập ở đâu, phải chăng do chương trình quá nặng?
Nên chia phần tự chủ cho các trường
TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Phát triển chiến lược, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng tồn tại lớn nhất của giáo dục hiện nay là công tác quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có vấn đề, bộ cần điều chỉnh để tăng cường tính tự chủ cho các trường ĐH.
Ông Dũng lấy dẫn chứng trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, giá như Bộ GD-ĐT đừng “ôm” nhiều quá thì không có cảnh thí sinh và phụ huynh phải chờ nộp rồi rút hồ sơ. Các trường ĐH cũng không phải vừa ngồi vừa chờ chủ trương mới của bộ. Bộ cần tăng tính tự chủ cho các trường vừa tăng tính nghiêm minh trong kiểm tra, đánh giá. “Cách tổ chức kỳ thi 2 trong 1 vừa qua về chủ trương là tốt nhưng cơ chế chủ quản của bộ đã làm méo mó ý tưởng tốt đẹp ban đầu” - ông Dũng đánh giá.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đề nghị kỳ thi sau, không nên gây ra những khó khăn, rắc rối như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận là “không lường trước” được những bất cập đó. “Chúng ta phải làm sao để năm học mới mở đầu tốt, kết thúc tốt, tức là làm một kỳ thi thật tốt. Muốn vậy phải rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến các nhà giáo, chuyên gia. Tôi bất ngờ khi nghe lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sang năm vẫn thi như năm nay. Cơn bão dư luận vừa rồi dường như không được bộ lắng nghe” - PGS Cương bày tỏ.
Cũng theo PGS Cương, Bộ GD-ĐT cần phải suy nghĩ kỹ việc tổ chức thi như vậy đã hợp lý chưa, các môn thi có gây ra tình trạng học lệch không, việc cộng điểm ở học bạ đã thực sự công bằng…? Kỳ thi vừa qua không chỉ vướng ở khâu xét tuyển mà nhiều vấn đề khác cũng cần lưu ý, tính toán cho kỹ. “Nếu đầu năm đã đổi mới vì HS, cuối năm cũng có một kỳ thi vì HS thì chúng tôi rất hoan nghênh” - PGS Cương kỳ vọng.
Người thầy cần có “bánh mì và hoa hồng”
Nhiều GV kỳ vọng đời sống GV cũng được quan tâm, cải thiện. ThS Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội), nhìn nhận nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã khẳng định yêu cầu phải phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; đồng thời, có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Tuy nhiên, ThS Yến nêu thực tế nhiều sinh viên là thủ khoa, á khoa các trường sư phạm về nhận công tác ở các trường nhưng với mức lương vài ba triệu đồng/tháng thì không thể đủ sống. Không ít thầy cô vì thế nên phải làm thêm nghề phụ, dù biết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Không có thầy giỏi thì khó có trò giỏi.
“Cuộc sống của người thầy cũng cần phải có “bánh mì và hoa hồng”, không thể mãi hô khẩu hiệu gắn bó với nghề giáo khi đồng lương không đủ sống. Chỉ khi đời sống được bảo đảm thì người thầy mới yên tâm với nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ người thầy. Một chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là điều không chỉ tôi mà hàng vạn nhà giáo cùng mong muốn trong năm học mới. Chúng tôi mong việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Chúng tôi cũng chờ đợi những đổi mới về tư duy, trước hết là tư duy về quản lý, chính sách cho giáo dục” - ThS Yến mong muốn.
Chiều nay, 3 trận đấu còn lại của vòng 11 giải hạng Nhất LS 2022 đã diễn ra. Trận đấu trên sân Ninh Bình giữa hai ứng viên cho chiếc vé thăng hạng CAND và Khánh Hòa nhận được nhiều sự quan tâm nhất.mb66HLV Phạm Minh Giang đã công bố 14 cái tên chính thức sẽ dự giải đấu đang diễn ra ở xứ Chùa Vàng và đa số các cầu thủ đã dự World Cup 2021 ở Lít-va năm ngoái.