Ngày 31-8, hàng trăm sinh viên các trường ĐH thuộc khối ĐHQG TP HCM như: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên… đã có cơ hội hiểu rõ hơn về khái niệm cũng như cách để vận dụng "Trí tuệ nhân tạo (AI)" một cách thiết thực đối với cuộc sống hàng ngày trong tọa đàm "Hiểu và vận dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) cùng Google".
Chương trình do trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM phối hợp cùng các chuyên gia của Google Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức với sự tham gia của hai khách mời là diễn giả Phạm Xuân Hoàng Ân và travel blogger Đinh Hằng.
Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia Google cho rằng phần lớn người dùng phổ thông không hình dung những tác động của thể của Trí tuệ nhân tạo (AI) trong đời sống thường nhật mà thường liên tưởng đến những thứ cao siêu, xa vời.
Mặc dù được coi là nền tảng của những phát minh có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống nhưng bên cạnh đó, AI cũng được áp dụng trong nhiều ứng dụng thiết thực mà con người đang sử dụng mỗi ngày với tất cả các đối tượng, các ngành nghề khác nhau. Trong đó có nhiều ứng dụng thân thuộc đối với sinh viên như: Google Translate (Google dịch), Mail, các công cụ tìm kiếm thông tin, dữ liệu phục vụ nhu cầu học tập…, đồng thời giúp sinh viên biết cách tận dụng hiểu quả những sản phẩm của Trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, còn có các ứng dụng phục vụ cho những người khiếm khuyết như xe không người lái, máy lau nhà tự động,.. giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
Thông qua chương trình, sinh viên cũng được nghe những trải nghiệm thực tế của chính hai diễn giả về cách mà công nghệ đang ảnh hưởng đến từng khía cạnh, lĩnh vực của cuộc sống. Đồng thời, các bạn còn có cơ hội giao lưu bằng cách trực tiếp đặt câu hỏi cho diễn giả, chuyên gia Google về những thắc mắc của mình.
Trong buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi thú vị được các bạn sinh viên đặt ra. Trong phần trình bày của mình, diễn giả Phạm Xuân Hoàng Ân nhận được câu hỏi: "Là một người làm trong nghề biên dịch, vậy ông có nghĩ rằng mình sẽ bị mất việc khi Google dịch đang phát triển và ngày càng hoàn thiện không?".
Diễn giả trả lời câu hỏi bằng cách đưa ra ví dụ về việc Google dịch có thể giúp chúng ta dịch đúng nghĩa nhưng không thể dịch đúng nét mặt, biểu cảm của người nói. Đôi khi cùng một câu nói, mỗi người lại có cách biểu hiện hoặc nói nhưng với nhiều hàm ý khác nhau. Vậy nên, tại thời điểm hiện tại ứng dụng này rất hữu dụng nhưng chưa thể thay thế con người.
Cùng giải đáp thắc mắc cho câu hỏi trên của bạn sinh viên cũng như diễn giả, bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc phụ trách truyền thông Google Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết chúng ta không thể đoán biết tất cả những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay AI đã và đang giúp cho cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn và chúng ta cần phải biết tận dụng điều đó. Ngoài ra, mỗi người cần phải ý thức được mình đang có thế mạnh gì, cố gắng như thế nào để có thể cạnh tranh được khi xuất hiện một lực lượng lao động mới.
"Thực tế trong lịch sử phát triển của nhân loại con người đã từng bước qua nhiều cuộc cách mạng và trong mỗi cuộc cách mạng lại đem lại cho chúng ta sự thay đổi. Khi nghề nghiệp này mất đi thì ắt sẽ lại có một cơ hội việc làm mới, quan trọng là bản thân chúng ta sẽ thích nghi với việc đó như thế nào" - bà Quỳnh chia sẻ. Đối với các bạn sinh viên, bà khuyên rằng nên có tâm thế sẵn sàng cho sự thay đổi và học cách thích nghi để có thể tồn tại ở môi trường mới.